Tiếng Hét Của Thiền Sư

17/03/201700:39(Xem: 4282)
TIẾNG  HÉT CỦA THIỀN SƯ
 
Thiền Sư Phillip Kapleau, người sáng lập Rochester  Zen Center ở New York; tác giả của nhiều sách Thiền mà “Ba Trụ Thiền” là một trong những quyển sách của  Thiền Sư rất nổi danh mà nhiều người đọc nhất, đã trở về với cõi vĩnh hằng ngày 6 tháng 5 năm 2004 giữa những  người trong gia đình, bạn bè và Thiền Sinh. Đó là một ngày đẹp trời nắng dịu trong khu vườn sinh tươi của Thiền Viện Rochester.

Ngồi trên chiếc xe lăn, bao quanh bởi gia đình, bạn bè cùng các đệ tử, Thiền Sư Kapleau được những Thiền  Sinh của Ngài đưa ra khu vườn của Thiền Viện Rochester, nơi mà Ngài đã dành hơn bốn mươi năm trực tiếp trao truyền pháp môn Thiền cho đệ tử. Từ khi cơ thể suy yếu, Ngài vẫn thường được đưa ra khu vườn này mỗi ngày. Rồi hôm ấy, trong cái yên lặng của đất trời và của không gian tịnh lặng bỗng nhiên Thiền Sư Kapleau hét lên những tiếng hét thật to, những tiếng hét phi thường như muốn làm rung chuyển đất trời.

Thiền Sư Kapleau hét như vậy trong một thời gian khoảng mười phút, những tiếng hét của Ngài; phải chăng, có một ẩn ý siêu việt, chứng tỏ một sức sống linh diệu, bất diệt nơi Ngài? Và sức sống đó cũng có ngay ở nơi chúng ta và trong muôn loài chúng sinh.

Để chứng tỏ cái năng lực ấy vào lúc mà người đời thường gọi là lúc sắp chết! Nhưng đối với Thiền Sư, với những người đã hiểu Thiền hay đang hiểu Thiền thì mới thấm thía và cảm phục cái ẩn ý tuyệt vời nầy bởi vì những tiếng hét ấy là những tiếng hét của nhắc nhở, những tiếng hét của cảnh tỉnh. Những tiếng hét nhằm dạy dỗ đệ tử, gia đình cùng toàn thể chúng ta: “Tiếng hét, tiếng hét… không tiếng hét… siêu việt tiếng hét và không hét”.

Những tiếng hét đó đã vang dội trong thế hệ hôm nay cũng như sẽ còn vang mãi trong những thế hệ mai sau. Quả đúng là những tiếng hét làm rung chuyển đất trời. Những tiếng hét linh thiêng đầy sức sống oai hùng. Tiếng gầm sư tử hống nhưng tràn ngập từ bi và cũng đầy trách nhiệm của một vị Thiền Sư đã trọn vẹn sự dạy dỗ của mình đến hơi thở cuối cùng đối với các đệ tử của mình nói riêng và đối với toàn thể chúng sinh nói chung. Khoảng thời gian mười phút với những tiếng hét vang dội như thế… Các đệ tử của Ngài vẫn giữ yên lặng và kính cẩn lắng nghe… Và bỗng họ đồng tụng “Bát Nhã Tâm Kinh”. Khi lời Kinh vừa cao vút đôi hàng thì đôi mắt của Thiền Sư mở rộng hơn, sáng ngời hơn và ngừng hét, từ từ nhắm mắt lại và Ngài nhắm mắt vĩnh viễn ngay giây phút ấy. “Tiếng hét, tiếng hét… không tiếng hét… siêu việt tiếng hét và không hét”. Cái đức vô úy và nhân cách của Thiền Sư Kapleau cho thấy Ngài đã đạt đến cái tinh thần tự chủ và tự tại hoàn toàn với bản thân và hoàn cảnh. Một người hiểu thấu được hết những có không, còn mất của cuộc đời và vượt lên trên những có không, còn mất ấy. Đến giờ phút cuối cùng trước khi từ giã cuộc đời, Ngài còn hét lên những tiếng hét trầm hùng để thức tỉnh những người còn lại “nầy đây cái tự tánh sẵn có của mình”, Ngài còn hét lên những tiếng hét phi thường để nhắc nhở những thế hệ đi sau nên lìa bỏ những mộng tưởng để trở về với cái trí huệ sáng ngời của mình.  Ngài hét, như một tiếng hét cuối cùng để đẩy người Đệ Tử đến bến bờ khai ngộ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Thiền Sư Phillip Kapleau sinh năm 1912 tại Connecticut, học Luật và trở thành Phúc Trình Viên của Tòa Án. Năm 1945, Thiền Sư Phillip Kapleau sang Nhật để làm tường trình cho những phiên tòa về tội ác chiến tranh. Chính những sự dã man và kinh hoàng của chiến tranh thời Đệ Nhị Thế Chiến đã ảnh hưởng sâu đậm và đánh thức phần tâm linh của cuộc đời Thiền Sư Phillip Kapleau. Trở về Nữu Ước năm 1950, Phillip Kapleau theo học Phật học với Thiền Sư Suzuki nhưng vẫn chưa thỏa mãn với những khao khát của mình. Năm 1953, Phillip Kapleau quyết định chấm dứt hẳn những công việc của tòa án và dời sang Nhật để học đạo. Ở Nhật 13 năm, thọ giáo với ba vị Thiền Sư và cuối cùng được ấn chứng bởi Thiền Sư Hakunn Yasutani (Bạch Vân) vào năm 1965. Chính trong thời gian tu tập với Thiền Sư Hakunn Yasutani, Lão Sư Phillip Kapleau hoàn thành cuốn “Ba Trụ Thiền”, một quyển sách giá trị được coi là căn bản cho những người muốn tìm hiểu và thực hành Thiền, đã được dịch ra 12 tiếng và nổi danh trên thế giới trong đó có bản tiếng Việt do Đỗ Đình Đồng dịch và Thiền Viện Sùng Nghiêm vừa tái bản tại California.

Tu tập với các tự viện thuộc cả hai phái Tào Động và Lâm Tế; về Nữu Ước, Thiền Sư Kapleau đã mang hết những kinh nghiệm học hỏi được truyền lại cho những môn sinh của mình. Được coi như là một trong những người đầu tiên truyền bá pháp môn Thiền trên đất Mỹ, Rochester Zen Center đã nhanh chóng phát triển. Thiền Sư Kapleau từng được thỉnh giảng nhiều nơi trên thế giới. Ở đâu, Thiền Sư cũng mang đến cho những người nghe Ngài nhiều điều mới mẻ của cái nhìn về tâm thức, cái năng lực chỉ có thể đến bằng sự nhận ra chứ không bằng bất cứ một lý luận hay bằng cách nào khác.
 
Trịnh Gia Mỹ
(Báo Người Việt, số 6810, ngày 30 tháng 07, 2004)