TIỆC TRI ÂN: NI SƯ CHÂN THIỀN VỀ HƯU

01/08/202217:30(Xem: 860)

Tiệc Tri Ân: Ni sư Chân Thiền về hưu, Thiền viện Sùng Nghiêm ra kỷ yếu

29/07/2022
Phan Tấn Hải & Nguyễn Thanh Huy VB

 

01-hai-su-ban-thieu-nhi-tinh-nghe-si

Hai Ni sư Chân Thiền, Chân Diệu và Ban Thiếu Nhi CLB Tình Nghệ Sĩ. Nhạc sĩ Cao Minh Hưng (bìa phài).

 

GARDEN GROVE (VB - Phan Tấn Hải & Nguyễn Thanh Huy) --- Câu chuyện y hệt như cổ tích trong Thiền sử, nhưng là sự thật đã xảy ra tại California. Ba chị em gái cùng đi tìm thầy học Thiền, đi xa ngàn dặm, cùng xuất gia, cùng học một vị Thầy nổi tiếng, người đã từng rời Hoa Kỳ để sang Nhật Bản nhiều năm học Thiền. Rồi ba chị em về mở chùa ở San Diego, mười năm sau dọn về Quận Cam mở chùa, hoằng pháp Thiền Tông. Đó là ba vị Ni sư Chân Như, Chân Thiền và Châu Diệu. Thiền Viện Sùng Nghiêm hôm Chủ Nhật 17/7/2022 đã tổ chức Lễ Tri Ân tại Crystal Restaurant, 12100 Beach Blvd, Stanton, với nội dung: Ni sư Chân Thiền về hưu, và phát hành sách Kỷ Yếu Nén Tâm Hương  của Thiền Viện Sùng Nghiêm.

 

Lễ Tri Ân hôm đó là một buổi tiệc cảm động, trang nghiêm, với nhiều lời ghi ơn trân trọng từ các Thiền sinh đối với Ni trưởng Thích Nữ Chân Thiền, vị thầy khai sơn Thiền viện Sùng Nghiêm tại Garden Grove. Hôm đó là Chủ Nhật 17/7/2022. Phần đạo trong buổi tiệc đã mang đầy Thiền ý, phần đời lại có nhiều mục văn nghệ phong phú.

 

Một cách chính thức, buổi tiệc cũng ghi dấu tròn 30 năm các Ni sư dựng chùa hoằng pháp, trong đó có 10 năm ở San Diego và 20 năm ở Garden Grove (Quận Cam). Và cũng đặc biệt: mừng sinh nhật thứ 80 của Ni trưởng Chân Thiền. Ni sư Chân Như đã viên tịch, bây giờ ba chị em chỉ còn Ni sư Chân Thiền và Ni sư Chân Diệu. Nhưng đã có thêm Ni sư Chân Minh vào gánh vác Phật sự. Và rất nhiều cư sĩ theo học Thiền và hộ pháp.

 

05-tang-hoa

Ni Sư Chân Thiền (phải) ôm hoa, và Ni Sư Chân Minh (trái).

 

Chặng đường rất xa như dường tiền định. Cả ba chị em sinh quán tại Hà Nội, Việt Nam. Hoạt động Gia Đình Phật Tử từ thơ ấu, vào Sài Gòn, và rồi định cư sang Hoa Kỳ. Điều rất tiền định là cả ba chị em khi còn ở Việt Nam đã tốt nghiệm trường Sư phạm, rồi dạy trung học cả tư lẫn công cho tới khi sang Hoa Kỳ. Hai chị em Ni sư Chân Thiền và Chân Diệu khi sang Hoa Kỳ vẫn làm giáo viên, cho tới khi xuất gia. Theo lời Ni sư Chân Minh viết trong Kỷ yếu, ba chị em ni sư khai sơn Thiền Viện Sùng Nghiêm là dòng dõi hoàng tộc nhà Hậu Lê, và do vậy mang theo nét đẹp của các hoàng hậu nhà Lê, theo Ni sư Chân Minh viết trong Kỷ yếu nơi trang 39: “Sư Thầy Chân Thiền của tôi trông rất đẹp, rất quí phái… Nếu nói hoặc viết về tính tình cùa Sư Thầy, tôi lại càng không biết phải dùng ngôn ngữ nào để diễn tả về ngài.”

 

Sách Kỷ yếu cũng đăng một số hình ảnh quý Ni sư quỳ trước mặt Thiền sư Philip Kapleau trong nghi thức xuất gia, trong khi Thiền sư Kjolhedge cầm kéo cắt tóc các ni sư trong nghi lễ tại Rochester Zen Center, New York. Khi học pháp với Thiền sư Kapleau là “Pháp Môn Tối Thượng Thừa Trực Chỉ Chân Tâm, Kiến Tính Giải Thoát Sinh Tử” (Kỷ yếu, trang 8), nhiều hình ảnh cho thấy quý Ni sư ngoài các giờ Thiền tọa, còn phải làm (chấp tác) nhiều việc khác trong Rochester Zen Center. Nhiều năm sau, khi đã về lại California mở Thiền viện, vì hạnh nguyện hòa đồng các Pháp Môn của Đức Phật, nên cả ba chị em đều được cơ duyên thọ Đại Giới: “Từ Sa Di, Thức Xoa Ma Na, Tỳ Kheo” trong cùng một ngày với Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, khoảng 23 năm về trước.

 

Trong buổi Lễ Tri Ân hôm Chủ Nhật, Thiền sinh trẻ nhất là cô Mỹ Nga (nghe các Thiền sinh gọi thân mật là “em út Mỹ Nga”) nói với giọng cảm xúc, rằng Cô (Ni sư Chân Thiền) rất vị tha, “con không biết là con sẽ xuất gia hay không, nhưng lời Cô dạy luôn luôn chỉ lối cho con bước đi tu học.” Giọng cô Mỹ Nga nghẹn lại, như sắp khóc.

 

04-cat-banh-sinh-nhat

Ni Sư Chân Thiền (giữa) đang cắt bánh, Ni Sư Chân Minh (trái) và Ni Sư Chân Diệu (phải) nhìn.

 

Nhiều vị Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cũng tham dự Lễ Tri Ân, đều đã biết các Ni sư từ nhiều thập niên trước: quý Huynh Trưởng Tâm Hòa Lê Quang Dật, Tuệ Linh, Dung Kiều, Lợi Lê và GS Diệu Ngọc Cao Minh Châu.

 

GS Diệu Ngọc Cao Minh Châu, cũng là một Thiền sinh nhiều năm ở Thiền viện Sùng Nghiêm, nói: “Thiền Viện Sùng Nghiêm là mái ấm yêu thương, nơi Phật tử được yêu thương dạy dỗ tận tình. Các bài pháp của Ni sư đã đưa rất nhiều người vào tư tưởng Bát Nhã, hiểu được Tính Không của nhà Phật. Hội Ái hữu Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm xem Thiền viện Sùng Nghiêm như ngôi nhà của mình…”

 

Cô Quyên Trần, đại diện Thượng nghị sĩ tiểu bang Tom Umberg, đã trao Ni sư Chân Thiền bằng Vinh danh những đóng góp cho cộng đồng.

 

07-state-senate

Cô Quyên Trần trao Ni Sư Chân Thiền bằng Vinh danh từ Thượng Viện California.

 

Điều hợp chương trình là 2 MC, cũng là 2 Thiền sinh: bác sĩ Nguyễn Hùng và cô Minh Hồng. Trong khi nhạc sĩ Đốc Sự Nguyễn Phú Hùng điều khiển chương trình văn nghệ. Về phía văn nghệ sĩ tham dự, có các nhạc sĩ Nam Hưng và Cao Minh Hưng (vừa là bác sĩ nha khoa, vừa là nhạc sĩ sáng lập Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, và là người hướng dẫn vũ điệu cho Ban Thiếu Nhi). Trong các ca sĩ có Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Kiều Loan, Tuyết Minh, Ái Liên, Phương Thảo, Mỹ Nga, Anh Hòa. Cũng như họa sĩ Chính Mung và họa sĩ Lam Thủy.

 

03-cao-minh-hung-nguyen-hung-tang-hoa

Từ trái, nhạc sĩ Cao Minh Hưng tặng hoa Ni Sư Chân Thiền, kế bên là nhà thơ Nguyễn Tiến Quỳnh Giao, MC Nguyễn Hùng.

 

Các nhà văn, nhà thơ tham dự có Nguyễn Tiến Quỳnh Giao, Nguyễn Thị Mắt Nâu, Giang Trần. Có 2 bác sĩ cùng đồng thời là nhà thơ: bác sĩ Nguyễn Hùng, bác sĩ Trương Minh Cường. Giới nhà báo tham dự có Phan Tấn Hải, Nguyễn Thanh Huy, Thanh Phong, Nguyên Hà. Và nhiều vị khác.

 

Nhà báo Thanh Phong (một tín hữu Công Giáo thuần thành) đã có bày tỏ một cử chỉ xúc động, lên tặng một tấm ảnh phóng lớn, nói rằng tuy anh không phải Phật Tử, nhưng vẫn luôn luôn quý trọng Ni sư Chân Thiền như một người chị cao cả vì những đóng góp liên tục cho cộng đồng.

 

08-thanh-phong

Nhà báo Thanh Phong (trái) nói cảm nghĩ với Ni Sư Chân Thiền.

 

Ni Sư Chân Diệu (pháp danh đầy đủ là Thanh Diệu Đức Thích Nữ Chân Diệu), người em ruột của Ni Sư Chân Thiền (pháp danh đầy đủ là Thanh Tịnh Liên Thích Nữ Chân Thiền), phát biểu trong buổi lễ, ngợi ca công hạnh của Ni sư Chân Thiền. Để cho chính xác, nơi đây trích bài viết của Ni Sư Chân Diệu nơi trang 31 của Kỷ Yếu, ghi về Ni Sư Chân Thiền:

 

“Tôi sống trong cùng một gia đình từ nhỏ, đến khi lớn khôn với chị tôi, cũng lại là Sư Chân Thiền hiện hữu tại Thiền Viện Sùng Nghiêm. Tôi xin mạn phép viết vài hàng nhận định về Sư, cũng là người chị, người mẹ, người Thầy mà tôi hằng tôn kính và thương yêu. Trong gia đình, Người là con chí hiếu, là người em, là người chị tuyệt vời! Là người cô, người dì lý tưởng. Người cũng luôn luôn quý trọng và giúp đỡ những người già cả, tàn tật, sa cơ lỡ bước. Đối với các bạn bè, với mọi người: Người rất tốt, thương yêu và hết lòng giúp đỡ bất cứ chuyện gì từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn! Đối với thú vật, các vật dụng hàng ngày, ngay cả núi đồi, sông nước, đất đá, cỏ cây... Người đều thương yêu, trân quý, chăm sóc kỹ càng khi có cơ hội tiếp xúc! Ngoài ra, Người còn là nhà văn, nhà thơ nữa. Văn và Thơ của Người đều rõ ràng, minh bạch, rất quý phái: Ý nghĩa mạch lạc, thâm sâu. Cách dùng chữ khéo, léo... Những lời đơn sơ nhưng không kém vẻ trang trọng sâu sắc... Mục đích viết văn và thơ của Người là để hướng dẫn người nghe hiểu sâu vào Đạo, để đi đến Giác Ngộ, giải thoát Sinh Tử...” Tuần tự, Ni sư Chân Minh và nhiều thiền sinh lên nói lời Tri ân Ni sư Chân Thiền.

 

09-chan-minh-chan-dieu

Hai Thiền Sinh tặng hoa 2 Ni Sư.

 

Trong phần đáp từ, Ni Sư Chân Thiền nói: “Vui quá là vui… Quý vị trong mùa Covid tới đây, toàn những khuôn mặt rất là thân thương. Cũng như MC Minh Hồng mới nói “Show me, don’t tell me” cho nên những người nào mà đến ngày hôm nay thì là tuyệt vời, là có cái tình thương đối với Thiền Viện Sùng Nghiêm cũng như đối với cô Chân Thiền. Tôi rất là cảm động. Nhất là ông MC, BS Nguyễn Hùng của tôi đang đi họp mà nghe cô Chân Thiền có bữa tiệc ngày hôm nay là bỏ dở về ngay, rồi lại có cả Phương Hồng Quế, một Hộ Pháp của chúng tôi từ lúc chùa còn nghèo từ ban đầu cho tới bây giờ, và tất cả những người ở đây đều là thân thương của Thiền viện. Một lần nữa, tôi xin cám ơn vô cùng sự hiện diện của quý vị, và chúc quý vị nhiều sức khỏe, thân tâm thường an lạc.”

 

Tuy nhiên, Ni sư nói trên nguyên tắc về hưu là vì 80 tuổi rồi, phải lui cho các Ni Sư khác đảm nhận công việc, nhưng vẫn cố vấn, vẫn dạy Thiền và vẫn giữ các buổi độc tham cho các Thiền sinh cần thiết. Nghĩa là, đã đi tu thì không có ngày về hưu, vì đi tu là trọn đời, là ngày nào cũng là Phật sự, nhưng bây giờ tới tuổi thì sức yếu, việc phải giảm bớt.

 

Ni Sư Chân Thiền được mời cắt bánh, mừng 80 tuổi, cũng như mừng 30 năm xuất gia và hoằng pháp, trong đó 10 năm ở San Diego và 20 năm ở Quận Cam. Ni Sư cũng tâm sự về cuốn Kỷ Yếu lẽ ra đã ra mắt hai năm rồi, và với tính đơn giản của Cô, cô định trao cho mỗi người một cuốn cầm tay về đọc, nhưng Ni Sư Chân Diệu ngăn cản, “Ối giời, chị đừng làm thế.” Bởi vì một số thiền sinh, trong đó có anh Trưởng tràng Phước Đỗ, nhà thơ Nguyễn Tiến Quỳnh Giao, và nhiều vị khác bước ra để tổ chức ra mắt Kỷ Yếu.

 

06-ban-van-nghe-sung-nghiem

Ca đoàn Thiền Viện Sùng Nghiêm.

 

Thiền Viện Sùng Nghiêm đang dạy Thiền như thế nào? Kỷ yếu ghi rằng, Thiền Viện Sùng Nghiêm dạy Tổ Sư Thiền. Nơi trang 12 Kỷ yếu, viết, trích: “Thiền Tông, luôn luôn hướng về sự thanh tịnh, tĩnh lặng của Thân Tâm, đó là: Chân Tâm Phật Tính. Nếu Tâm chúng ta cứ buông thả, cứ để cho nó tác ý, khởi Niệm Nhị Biên Phật Biệt là tự động đi vào sinh tử. Nhưng khi đã hiểu Tính Như Thị của vạn pháp… thì đã biết tường tận Đóa Hoa nào cũng đều có giá trị bình đẳng như Đóa Hoa nào, tuy là hình tướng có khác nhau, nhưng Bản Thể của chúng thì không có gì khác hết… Chúng ta hãy để Tâm mình tĩnh lặng y Bản Thể Thấy Biết vô tư sẵn có của chính mình, là tự động không còn Niệm Tâm Thức Nhị Biên phân biệt nào giữa người và ta.”

 

Nơi trang 42 trong Kỷ yếu, Ni Sư Chân Minh viết, trích: “Chúng ta là những học trò của Sư Thầy và được Sư Thầy hướng dẫn đường lối Bát Nhã Tâm Kinh, chính là đường lối Trực Chỉ Chân Tâm, Niêm Hoa Vi Tiếu. Nhưng trong chúng ta, mỗi người đều có sự cảm nhận và hấp thụ theo một góc độ khác nhau.”

 

Thiền sinh Toàn Tịnh, nơi trang 67 trong tập Kỷ yếu, kể về những ngày đầu học Thiền Căn Bản tại Thiền Viện Sùng Nghiêm: “Ni Sư Chân Thiền hướng dẫn mọi người cách Thở ra, Hít vào… Trước hết để đầu óc như Hư Không, không nghĩ Thiện, không nghĩ Ác, sau đó Chú Tâm 100% vào Tính nhận Biết Hơi Thở đang vào, Hơi Thở đang ra… cho dù Hơi Thở không vào hoặc Hơi Thở không ra nữa, thì chúng ta cũng vẫn phải biết.”

 

10-tue-linh-gdpt

Từ trái: Huynh Trưởng GĐPT Tuệ Linh, Ni Sư Chân Thiền, GS Diệu Ngọc Cao Minh Châu.

 

Thiền Sinh Phước Đỗ, cũng là Trưởng Tràng Thiền Viện Sùng Nghiêm, trong bài viết nơi trang 135 tới 155 trong Kỷ yếu, giải thích về Thiền pháp tại Thiền Viện Sùng Nghiêm, ghi rằng cả ba Ni Sư học với Thiền Sư Philip Kapleau cho tới khi Ngà viên tịch, lúc đó học với Thiền Sư Bodhin Kjolhede (Thiền Sư kế thừa dòng pháp của ngài Kapleau). Đồng thời, Ni Sư Chân Thiền và Ni Sư Chân Diệu học với Thiền Sư Thích Duy Lực, cũng Pháp Môn Tổ Sư Thiền, Giáo Ngoại Biệt Truyền, Kiến Tính Thành Phật. Trưởng Tràng Phước Đỗ viết:

 

“…hầu hết các Thiền Sinh của Thiền Viện Sùng Nghiêm là Tham Câu “Công Án Mu” miên mật. Dựa theo Tông Chỉ Vô Niệm của Lục Tổ Huệ Năng, cũng như y giáo phụng hành của Sư Phụ là Thiền Sư Philip Kapleau về việc Độc Tham, luôn luôn đi sát với Ba Trụ Thiền là Đập Ngã Chấp, Đập Pháp Chấp, Trực Chỉ Thân Tâm, Kiến Tính Giải Thoát. Đặc biệt, Thiền Viện Sùng Nghiêm còn y theo Tôn chỉ của Đức Phật: Đốn ngộ rồi tiệm tu, Một là Tất Cả, Vượt nhị biên phân biệt, Tu theo trí, không tu theo thức. Nhất nguyên tuyệt đối.”

 

Chỗ này xin ghi chú: Công án Mu (tiếng Nhật), trong tiếng Hán và Việt là Công án Vô. Lấy từ câu trả lời cho câu hỏi con chó có Phật Tính hay không, thì ngài Triệu Châu trả lời cho học tăng A là “Không” (Vô), cho học tăng B là “Có.” Đời sau, lấy chữ “Vô” ra tham, nên gọi là Công án Vô, đọc theo âm Nhật Bản là Công án Mu.

 

Anh Phước Đỗ cũng kể rằng thời gian đầu anh được Ni Sư Chân Thiền hướng dẫn cách ngồi, cách thở, chú tâm vào tính nhận biết toàn diện hơi thở 100% tới khi vọng tưởng vắng bặt, thân tâm thấy là một, thời gian sau mới tham công án. Anh Phước cũng kể rằng vợ anh chỉ thời gian ngắn đã chữa được bệnh mất ngủ. Nhưng chữa bệnh chỉ là chuyện nhỏ, vì tận cùng là phải giải thoát sinh tử, theo anh viết.

 

Thiền Sinh Nguyễn Thị Á (Ann Nguyen) viết nơi các trang 156-161, kể rằng chị tu theo Thiền Viện Sùng Nghiêm 7 năm, kể rằng chị rất mực hạnh phúc khi tham công án, đi từ công án dễ tới công án khó, kể về những buổi nghe Ni Sư Chân Thiền giảng Kinh Bát Nhã và Kinh Lăng Nghiêm, kể về đi đứng nằm ngồi trong tỉnh thức với Công án Mu, kể về những buổi độc tham gặp riêng để vấn đáp giữa Ni sư và chị, và “tôi không thể kể ra hết những gì tôi đã học được từ Ni Sư Chân Thiền.”

 

Thiền Sinh Hải Phạm trong Kỷ yếu kể lại, trích: “Sau nhiều năm tu tập Thiền, cuối cùng tôi đã về Thiền Viện Sùng Nghiêm. Nhờ một nhân duyên là đám tang của người anh rể. Thiền Viện Sùng Nghiêm, nơi hiển bày một khung trời mới lạ đã mở rộng tầm mắt cho tôi. Một bữa nọ, khi xong một buổi tập Thiền, tôi nhìn ra hàng cây trước nhà… bỗng tôi trực nhận những hàng cây… cũng như nhà cửa… kể cả vạn vật quanh tôi đều không phải là hai. Ô đúng rồi. Cái gì cũng là “MU”… như Ni Sư Chân Thiền đã dạy…”

 

Thiền Sinh Thúy Minh Hồng cũng ghi nhận trong Kỷ Yếu, trích: “Sau vài lần đến Thiền Viện, tôi được biết nơi đây tu tập theo tông chỉ ‘Niêm họa thị chúng, Bát nhã tánh không, Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật.’ Thật là nhân duyên thù thắng cho một Phật tử tại gia như tôi được tu tập theo giáo nghĩa này. Đây là một giáo nghĩa thậm thâm, siêu việt mà tôi hằng mong ước được thông hiểu.”

 

Thiền Sinh Toàn Trí (Sơn Chu) viết trong Kỷ yếu, trích: “Con đã trực nhận biết, hiểu biết thế nào là Nghi, Thế nào là Ngộ về Diệu Pháp của Vũ Trụ. Có phải đó chính là Tự tính bình đẳng của Tinh Không. Cũng chính là Chơn không diệu hữu của toàn thế vũ trụ vạn vật. Và lại cũng chính là: Tự tính vi diệu, âm thầm, ẩn mật vận hành trong từng Sát na của toàn thể các Sắc Tướng nhiệm màu hiện hữu trong Vũ trụ. Toàn là Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.”

 

Thiền Sinh Minh Hải Toàn Đức viết 2 bài rất dài trong Kỷ Yếu, trong đó có bài thơ rất thiền:

“Chẳng phải Đắc, mà cũng chẳng phải chẳng Đắc

Đắc / Chẳng Đắc chẳng phải là hai

Vượt cả đúng với sai

Siêu Việt cả Đắc lẫn Chẳng Đắc.”

 

Ca sĩ Phương Hồng Quế viết bài, kể về kỷ niệm với Thiền Viện Sùng Nghiêm, và “Tử đó… mỗi tối thứ Ba, tôi đến sinh hoạt và tôi càng quý mến các cô nhiều hơn, bởi lòng chân thành, từ bi, thương yêu, nhỏ nhẹ giảng dậy cho từng Phật Tử.”

 

02-hai-ni-su-phuong-hong-que

Ca sĩ Phương Hồng Quế đứng giữa 2 Ni sư Chân Thiền, Chân Diệu.

 

Nhà thơ Nguyễn Thị Mắt Nâu (Toàn Hương) trong bài dài 3 trang, kết thúc với 2 câu thơ ca ngợi hạnh tụ sĩ:

 

“Chân dung tu sĩ đẹp vô ngần

Trang nghiêm dung dị ân cần đẹp thay.”

 

Nhà thơ Nguyễn Tiến Quỳnh Giao (Chân Hạnh) cũng viết một bài dài 3 trang, và kết thúc với 2 câu thơ:

 

“Sùng Nghiêm giữa chốn phàm trần

Vẫn còn mãi đó ‘Cùng vầng trăng soi’.”

 

Hai họa sĩ Chính Mung và Lam Thúy cũng có bài viết trong Kỷ Yếu. Cũng có thêm nhiều bài từ nhiều Thiền Sinh khác. Về phía văn nghệ sĩ góp mặt trong Kỷ Yếu có nhạc sĩ Nguyễn Phú Hùng, nhà thơ Hồ Thanh Nhã (anh Nhã cũng là một Thiền Sinh nhiều năm ở đây). Phía nhà báo có các bài viết của Nguyên Hà, Quảng Trà Nguyễn Thanh Huy.

 

12-ban-van-nghe

Ban Thiếu Nhi của CLB Tình Nghệ Sĩ.

 

Nhà báo Thanh Phong (Viễn Đông Daily) trong bài viết nơi trang 216-218 ghi nhận về Thiền Viện Sùng Nghiêm, đặc biệt điều làm phóng viên này bất ngờ là Ni Sư Chân Minh, “vị sư mới này, đã là Bác sĩ tại VN, và tốt nghiệp Tiến sĩ Dược khoa, là Toxicologist (Độc Dược học) tại Hoa Kỳ; hiện đang dạy (cách bào chế thuốc trị ung thư thời k2y thứ tư) cho company đang bào chế… 30 ngày một tháng không ngưng nghỉ. Với khả năng và điều kiện thuận lợi cho một cuộc sống sung túc tại Hoa Kỳ, nhưng Thu Vân đã bỏ hết để trờ thành Sư nữ Chân Minh khiến nhiều người ngạc nhiên.”

 

Trong Kỷ yếu cũng có bài của nhà báo Phan Tấn Hải, khi ông làm Chủ Bút Việt Báo, bài gốc viết trên Việt Báo ngày 23/7/2004, trong bài tường trình về thời kỳ ba Ni sư theo học với Thiền Sư Philip Kapleau.

 

11-ban-van-nghe

Ban Thiếu Nhi của CLB Tình Nghệ Sĩ.

 

Trong tập Kỷ Yếu, bài viết dài nhất là của Thiền Sinh Toàn Tịnh, đúng ra là 2 bài, kể chi tiết từ những ngày Thiền Viện Sùng Nghiêm mới bắt đầu. Và bài của nhiều Thiền Sinh khác nữa, trong đó có ba Thiền Sinh viết bằng tiếng Anh – hiển nhiên, giới trẻ không đủ tiếng Việt để diễn tả, kể lại những gì đã học.

 

Thiền Viện Sùng Nghiêm bây giờ đã trở thành một cội tùng lớn để cho nhiều học nhân nương tựa trên đường học Phật, học Thiền. Không dễ có cơ duyên để tin Phật Pháp Tăng. Không dễ có cơ duyên gặp được Thầy lành bạn tốt. Hy hữu thay. Những gì Ni Sư Chân Thiền đã làm, và đang làm cực kỳ hy hữu. Y hệt như chuyện cổ tích trong Thiền sử, nhưng nơi đây là chuyện đang xảy ra trong đời thật, ngay tại Quận Cam này.

 

VỀ THIỀN VIỆN SÙNG NGHIÊM

 

Thiền Viện Sùng Nghiêm tại Quận Cam là nơi tu học từ nhiều năm qua chuyên về Thiền Tông, với nhiều lớp Thiền - cũng như giúp tham học giáo lý Kinh, Luật, Luận, Thiền chữa bệnh, Yoga... -- được hướng dẫn cho mọi trình độ và lứa tuổi, từ em bé 5 tuổi cho tới các vị lão niên. Riêng thiếu niên có dạy cả Việt ngữ. Tuy nhiên, không phải là khép cửa tu học, Thiền Viện cũng là nơi từng tổ chức những cuộc triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, những chuyến đi làm từ thiện...

 

Cũng nên nhắc về dòng truyền thừa của Thiền viện Sùng Nghiêm, rằng Cố Đại Lão Thiền Sư Philip Kapleau là người thầy truyền pháp môn Thiền Tông cho ba vị ni sư -- quý ni sư Chân Thiền, Chân Diệu, và Chân Như - để sau này 3 vị về Quận Cam sáng lập Thiền Viện Sùng Nghiêm, nơi sau này đã có thêm nhiều vị hỗ trợ hoằng pháp, trong đó bây giờ có Ni Sư Chân Minh trong nhiều vị nổi bật. Trước đó, quý ni sư đã cầu học rất mực gian nan: Quý ni sư đã đi tới nhiều thiền lâm nổi tiếng, sang tận Trung Quốc, nhập nhiều khóa thiền thất, và rồi dự các khóa sesshin (tiếp tâm) ở nhiều tiểu bang, trước khi về học với Thiền Sư Philip Kapleau.

 

Ngài Kapleau sinh năm 1912, viên tịch 2004. Năm 1953, xin xuất gia tu học, được lão sư Soen tiếp nhận Kapleau cho tu tại chùa Phát tâm (Hosshinji). Ba năm sau, theo giới thiệu của lão sư Soen, Kapleau đến cầu pháp với thiền sư Bạch Vân (Yasutani), Nhật Bản. Trong khóa tu thứ 20 (mùa hè năm 1958) với thiền sư Bạch Vân, Kapleau đã đạt ngộ được thiền sư Bạch Vân ấn chứng và ban cho danh hiệu "Roshi" (Lão sư một danh hiệu khó đạt được, chỉ ban cho những ai đã đạt ngộ chân lý). Ngài Kapleau nổi tiếng trên tầm quốc tế sau khi biên soạn cuốn sách tựa đề là "Ba Trụ Thiền" (Three Pillards of Zen), in tại Nhật bản vào năm 1965; tác phẩm này đã giúp nhiều người vào cổng nhà Thiền.

 

Sau nhiều năm tu học tại Nhật, năm 1965, ngài Kapleau trở về nước và bắt đầu sứ mệnh truyền pháp. Từ đó, dòng Thiền của Ngài Kapleau đã phát triển mạnh mẽ tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Và bây giờ, ngọn đèn pháp của Thiền Tông hiện đang được gìn giữ và trao truyền tại Thiền Viện Sùng Nghiêm, nơi đang tìm nhiều cách hoằng pháp lợi sanh với nhiều phương tiện, cho nhiều thành phần và nhiều lứa tuổi.

 

Qua nhiều năm, đã có nhiều Thiền sinh Thiền Viện Sùng Nghiêm ngộ nhập được lý duyên khởi, nhận ra thường trực pháp ấn vô ngã trong thân tâm và thế giới. Ngộ thì khó, nhưng khi ngộ được thì vào bất kỳ nơi nào cũng không dính tà kiến, không chệch hướng, cũng không cầu nguyện linh tinh cho chuyện trần gian nào hết.

 

Phật Tử có thể tới Thiền Viện Sùng Nghiêm hàng ngày hay tuần để học thiền, ngồi thiền, độc tham và nghe thuyết giảng theo các thời khóa biểu ghi sẵn. Có lớp Thiền Trẻ Em cuối tuần, và các lớp thiền cho mọi trình độ. Thiền viện cũng có giờ phát thanh và phát hình hàng tuần. Câu hỏi, xin liên lạc về:

 

Thiền Viện Sùng Nghiêm,

11561 Magnolia St.,

Garden Grove, CA 92841.

Tel: (714) 636-0118.

Email: sungnghiem@hotmail.com -

Trang web: https://thienviensungnghiem.org/