Trung Tâm Thiền

14/03/201701:08(Xem: 3704)

Trung Tâm Thiền

Lời cổ xưa đã nói: “Kinh là lời Phật, Thiền là Tâm Phật”. Chúng ta ai cũng có Tâm Phật nhưng vì biết bao vọng tưởng điên đảo, đầy tham đắm, đầy phiền toái bám víu vây quanh, che khuất chân tâm của chính mình.

Giả thử, nếu chẳng có vọng tưởng thì chúng ta ai cũng thấy rõ chân tánh của mình, lúc nào cũng tự định, tự tịnh và tự chiếu tỏa.

Có những người khởi tâm chấp tịnh thì đã tạo ra vọng tưởng “Tịnh”, thực ra thì vọng tưởng không hề có xứ sở. Người chấp vọng: “Tịnh” đã tự mình tạo lập “Tướng Tịnh” và cũng tự mình trói buộc trong “Tướng Tịnh” ấy, chứ thực ra “Tịnh” không có hình tướng.

Thiền Định đúng nghĩa của nó là:

- Bên ngoài: Đang nơi tướng mà lìa tướng gọi là Thiền. Hay nói một cách khác, ngoài mà chấp tướng trong tâm sẽ loạn, ngoài lìa tướng thì tâm chẳng loạn.

- Bên trong: Đang nơi niệm mà lìa niệm là Định. Nói một cách khác, bên trong chẳng động, chẳng loạn là Định hay Bản Tính đã tự định, tự tịnh rồi, chỉ vì ta thấy cảnh, chấp cảnh thành ra loạn mà thôi. Ngược lại, nếu chúng ta thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, thì đó mới chính là “chân định”, chứ chẳng phải muôn điều chẳng nghĩ, chẳng nói và muôn niệm chẳng khởi là “Định”. Nếu ai rơi vào trường hợp này để rồi chấp Thiền là không nói gì cả, thì quả là hơi phiền đấy! Ngược lại, cũng có người chấp chặt mọi thứ để rồi trong tâm lúc nào cũng loạn bởi muôn điều, muôn vật từ thô đến tế, cứ chấp vào những thiên hình, vạn trạng hình tướng khác nhau, rồi tự chôn vùi mình trong mọi cảnh, mọi hình tướng giả dối, huyễn hoá ấy, để tự động lúc nào cũng lọt vào nhị biên tương đối: có không, động tịnh, xấu tốt, thấp cao, thật giả, v.v…

Nói một cách tổng quát về Thiền từ cạn tới sâu thì: Chúng ta Thiền là để giúp chúng ta lắng vọng tâm, lắng vọng niệm để đầu óc bớt căng thẳng, tâm bớt loạn, nhưng không có nghĩa là để dứt tư-tưởng, diệt vọng niệm, diệt cảm giác. Khi thiền sâu hơn với mục-đích dùng các phương tiện: theo dõi hơi thở, tham Công-án, tham thoại đầu, v.v...tự mình có thể tự chủ chính mình, không còn đắm chìm trong phiền não, không cần phải bám víu vào những ái dục tầm thường để vượt qua mọi chướng ngại, để tiến đến Chân, Thiện, Mỹ, trí tuệ toàn diện.

Thật ra mà nói: Thiền không phải là một tôn giáo, một pháp môn, một học thuyết để bàn cãi hay bất cứ cái gì mà nguời ta gán tên cho nó, vì chính nó đã vượt ra ngoài hết mọi phương tiện giả lập ấy. Chúng ta chỉ cần áp dụng và thực hành đúng mức tại ngay đây, đời sống thường ngày của chúng ta như: Ăn, ngủ, làm việc, v.v… mà rồi tự động, không cần tìm đâu xa, nó sẽ thẩm thấu từ từ đến toàn diện của chân lý Giác Ngộ, giải thoát ấy chính nơi chúng ta.
Thanh Tịnh Liên
THÍCH NỮ CHÂN THIỀN